Nâng cao nhận thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Cưới, tang theo nếp sống mới

VHO- Không còn nhiều những đám cưới, đám tang tổ chức dềnh dang, phô trương, tốn kém, lạc hậu… nhiều năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, một số điểm sáng về xây dựng mô hình tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống mới đã được các địa phương tích cực triển khai.

Nâng cao nhận thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Cưới, tang theo nếp sống mới - Anh 1

 Tái hiện đám cưới người Dao đỏ Ảnh minh họa

Nhiều mô hình điểm góp phần tạo dựng diện mạo mới, chuyển biến tích cực, thực hiện chủ đề công tác được Bộ VHTTDL phát động về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở.

Xóa bỏ nhiều hủ tục

Trong một thời gian dài, những hủ tục lạc hậu trở thành rào cản sự phát triển, kéo dài khoảng cách chênh lệch về chất lượng cuộc sống, môi trường văn hóa cơ sở giữa khu vực đồng bằng và miền núi, vùng sâu vùng xa. Những đám cưới, đám tang nặng về hủ tục khiến cho đời sống của người dân ở nhiều vùng, miền chậm phát triển, đã nghèo lại càng nghèo hơn bởi sau những việc đại sự của gia đình, dòng tộc, họ lại phải gánh trên vai những khoản nợ không hề nhỏ.

Tại Yên Bái, quyết tâm đẩy lùi hủ tục, thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang nhiều năm qua đã mang đến những thay đổi lớn. Đám cưới, đám tang trên địa bàn thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh ngày càng nhiều. Sở VHTTDL Yên Bái cho biết, đã tham mưu cho BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh hướng dẫn các địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn. Theo đó, hướng dẫn tới tận các gia đình, đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đồng bào dân tộc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín. Vận động nhân dân trong việc cưới không thách cưới bằng bạc trắng, thuốc phiện; trong việc tang, vận động không để người chết trong nhà quá lâu, loại bỏ những hủ tục như bón cơm, phơi nắng, mổ nhiều trâu, bò tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém…

Cũng theo số liệu của Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh hằng năm có khoảng trên 2.000 đám cưới, đến nay cơ bản đã được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh; nhiều đám cưới đã bỏ được tục mời thuốc lá, cỗ bàn linh đình giảm, phần lớn việc cưới đều tổ chức trong một ngày, hạn chế hiện tượng dựng rạp lấn chiếm hành lang, vỉa hè... Việc tang không còn tình trạng để người đã khuất trong nhà quá thời gian quy định; phúng viếng bằng vòng hoa, bức trướng lan tràn, rắc vàng mã khi đưa tang, mở nhạc tang quá to, tổ chức ăn uống linh đình, mổ nhiều trâu, bò… đã giảm nhiều.

Tại Ninh Bình, các địa phương chú trọng thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Cụ thể, các hoạt động văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa, môi trường văn hóa ở cơ sở.

Hải Phòng cũng là một trong những địa phương đặc biệt chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Theo Sở VHTT Hải Phòng, những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Một thay đổi cơ bản là hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã tạo nên những chuyển biến quan trọng trong đời sống văn hóa trên địa bàn.

Diện mạo mới

Tại nhiều địa phương, một diện mạo mới trong xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được hình thành rõ nét khi những hủ tục được đẩy lùi, nhân lên nhiều mô hình điểm. Với những nỗ lực, đến nay trên địa bàn TP Hải Phòng không còn nhiều hiện tượng tổ chức cỗ bàn nhiều ngày, không mời thuốc lá trong tiệc cưới, thực hiện việc tang tiết kiệm. Hầu hết các lễ cưới trên địa bàn thành phố được thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình; hiện tượng tảo hôn được hạn chế, không có thách cưới, ép duyên; các đám cưới được tổ chức tiết kiệm, vui tươi, trang trọng. Đoàn thanh niên các cấp tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động tổ chức đám cưới theo mô hình cưới văn minh, hình thức tổ chức đơn giản mà vẫn đảm bảo sự trang trọng. Đối với việc tang, Ủy ban MTTQ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc đưa những quy ước về nếp sống văn minh trong việc tang vào đời sống. Quy trình tổ chức được đơn giản hóa, nhiều hủ tục lạc hậu như ca kèn, cúng gọi hồn, yểm bùa, đi lùi, lăn đường, đội cầu… cơ bản được loại bỏ. Tình trạng tổ chức cỗ bàn mời khách sau ngày tang lễ, các tuần tiết trong việc tang giảm đáng kể. Hình thức cải táng, điện táng văn minh, chống ô nhiễm môi trường đã và đang được người dân tiếp nhận, đồng tình.

Tại huyện Đồng Văn (Hà Giang), vùng đất nhiều năm bị những hủ tục đeo bám, những năm gần đây, thành tựu đáng ghi nhận là những chuyển biến rõ nét trong xây dựng nếp sống văn minh trong cưới, tang . Các đám tang, đám cưới không còn ăn uống linh đình, kéo dài ngày, gây tốn kém, lãng phí, không có hôn nhận cận huyết thống, không còn tục kéo bắt vợ, thách cưới cao, hiện tượng tảo hôn giảm, không có mê tín dị đoan. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện có gần 800 cặp kết hôn. Các đám cưới cơ bản đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trang trọng; nghi lễ đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với văn hóa truyền thống. Đám tang cơ bản không kéo dài ngày, không mổ nhiều gia súc, không uống nhiều rượu, tổ chức ăn uống hợp vệ sinh, nhiều thủ tục rườm rà được loại bỏ.

Khi đời sống tinh thần được cải thiện, người dân nhận thấy lợi ích dành cho chính mình và tích cực tham gia xây dựng đời sống mới, văn minh, lành mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Để có được chuyển biến này, nhiệm vụ bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương được thực hiện một cách đồng bộ; nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân được nâng lên. Đơn cử, tại huyện Đồng Văn, đã có 14/19 xã, thị trấn trên địa bàn ban hành Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy về xóa bỏhủtục, xây dựng nếp sống văn minh. Một số xã đã biên soạn ngắn gọn, đầy đủ các nội dung cốt lõi và dán tại các hộ, nhà văn hóa các thôn để người dân nắm bắt, thực hiện. Xác định xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, việc xây dựng con người mới, nếp sống mới đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, tạo tiền đề để mang lại cuộc sống văn minh, tiến bộ cho người dân. 

 MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc